Đơn hàng ít, chi phí cao, tỷ lệ tương tác thấp,… chính là những vấn đề lớn nhất khi chạy quảng cáo Facebook không hiệu quả. Bài viết này sẽ giúp các bạn tìm hiểu các nguyên nhân gây ra tình trạng này cùng hướng khắc phục.
Nguyên nhân quảng cáo Facebook không hiệu quả
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến quảng cáo Facebook không hiệu quả, thường là những lỗi nhỏ hoặc là tổng hợp của nhiều vấn đề khác nhau. Một số vấn đề có thể trực tiếp nằm ở quảng cáo của bạn như hình ảnh chưa tối ưu, từ ngữ không thu hút,…
Cũng có một số vấn đề xuất phát từ bên trong cách vận hành kinh doanh hoặc tư duy của người làm quảng cáo như: bộ phận sale và marketing không kết nối được với nhau dẫn đến tỷ lệ ra đơn thấp.
Để giúp các bạn có một cái nhìn tổng quát về các lý do làm quảng cáo Facebook không hiệu quả, chúng tôi xem tổng hợp lại một số nguyên nhân chính sau đây:
Lựa chọn
Content không thu hút
Content quá nghèo nàn, không thu hút được người xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến lượt tương tác thấp. Một content được xem là bị lỗi nếu như có một trong các yếu tố sau đây:
- Dùng icon vô tội vạ, gây rối mắt cho người dùng. Icon chỉ nên được dùng để làm điểm nhấn cho những đoạn văn bản quan trọng hoặc thể hiện một cảm xúc có tác động đến tâm lý của khách hàng.
- Viết quá dài và lan man: Người dùng Facebook rất lười đọc những nội dung dài và khó đọc (không đặt khoảng cách giữa các đoạn nhỏ với nhau). Do đó, nên truyền tải nội dung ngắn gọn và thêm hỗ trợ của hình ảnh và video.
- Hình ảnh chưa được tối ưu: Nếu kích thước của ảnh không được tối ưu cho phù hợp với quảng cáo của Facebook thì khả năng hình ảnh đó sẽ không được hiển thị một cách đầy đủ. Đồng thời, độ phân giải của hình ảnh sẽ thấp, dẫn đến không thu hút được sự chú ý của khách hàng.
- Video chưa được tối ưu: Tương tự như hình ảnh, kích thước và độ phân giải của video cũng sẽ bị lỗi nếu như không được edit cho phù hợp với cách hiển thị của Facebook.
- Nội dung quá nghèo nàn: Những nội dung mang tính chất giải trí hoặc tin giật gân sẽ được người dùng Facebook ưa chuộng nhất. Do đó, những nội dung mang tính học thuật nặng nề, hay những nội dung xoay quanh bán hàng sẽ bị khách hàng lướt qua khá nhiều. Điều này đòi hỏi người làm quảng cáo phải khéo léo lồng ghép nội dung thu hút người xem hơn.
Target đối tượng quảng cáo không chuẩn xác
Nhiều bạn chạy quảng cáo target đối tượng rất rộng dẫn đến lượt tương tác và tiếp cận cao nhưng tỷ lệ chuyển đổi lại rất thấp. Ví dụ, khi bán son, có bạn lại target độ tuổi bao gồm người dùng dưới 18 tuổi, trong khi đó đối tượng này tuy có sử dụng son nhưng rất ít và chưa có thu nhập để mua son.
Một ví dụ khác về target đối tượng có vị trí quá rộng, là các bạn chạy quảng cáo trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, lượng khách hàng của các bạn chủ yếu xuất hiện ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng,… Dẫn đến chi phí tăng cao mà hiệu quả đem lại không nhiều.
Do đó, các bạn nên giới hạn đối tượng khách hàng càng chi tiết càng tốt. Đừng nghĩ cứ target đối tượng càng rộng thì càng dễ ra đơn.
Lựa chọn thời gian chạy quảng cáo không thích hợp
Việc chạy quảng cáo 24/24 là một trong những cách chạy quảng cáo rất lãng phí, mà hiệu quả đem lại không cao. Người dùng Facebook chỉ hoạt động mạnh trong một vài khung giờ, được gọi là khung giờ vàng. Nếu bạn chạy quảng cáo 24/24 sẽ có những thời điểm không tiếp cận được nhiều người nhưng bạn vẫn phải trả mức phí tương đương.
Hãy chọn ra những khung giờ vàng, thời điểm mà khách hàng của bạn hoạt động mạnh nhất trên Facebook để cho quảng cáo chạy. Ví dụ như khung giờ 19h-22h được thống kê là có lượng người dùng online cao nhất trên Facebook.
Quảng cáo không tiếp cận được khách hàng mới
Khi quảng cáo của bạn chạy được một thời gian, tần suất hiển thị lặp lại của nó đối với một người xem bắt đầu lớn lên. Điều này có nghĩa là những người đã nhìn thấy quảng cáo của bạn một lần rồi vẫn có thể tiếp tục được Facebook phân phối tới nhiều lần nữa.
Một số khách hàng đã mua sản phẩm của bạn nhưng vẫn tiếp tục nhận thông tin cũ từ quảng cáo. Trong khi đó, với ngân sách hiện có, bạn hoàn toàn có thể target đến những đối tượng mới nhằm tìm kiếm khách hàng mới.
Quảng cáo những mặt hàng cạnh tranh quá cao
Hiện nay, những mặt hàng như mỹ phẩm, spa, quần áo được bán rất nhiều trên Facebook. Các đối thủ của bạn đã quảng cáo quá nhiều, dẫn đến chi phí chuyển đổi cao và cơ hội chốt đơn rất thấp bởi khách hàng rất nhiều lựa chọn.
Vấn đề này làm cho những người tham gia quảng cáo các mặt hàng đại trà này trên Facebook gặp rất nhiều khó khăn vì hiệu quả thấp. Để cải thiện hiệu quả, bạn nên quảng cáo để khách hàng đổ về các kênh Marketing khác nhau.
Ví dụ, dẫn khách hàng về website để mua sản phẩm. Đồng thời, nên chú trọng các bài quảng cáo phát triển thương hiệu hơn là bán hàng để khách hàng tin tưởng bạn sau đó sẽ tìm mua sản phẩm sau.
Đặt giá thầu quá thấp
Giá thầu là một trong những yếu tố quyết định khá lớn đến hiệu quả của quảng cáo. Nếu giá thầu của bạn thấp hơn đối thủ, quảng cáo của bạn sẽ được phân phối kém hiệu quả hơn.
Đối với những người chưa có kinh nghiệm, việc đặt giá thầu thủ công thường rơi vào trường hợp này. Do bạn không thể biết được có bao nhiêu người tham gia đấu thầu và mức giá của họ là bao nhiêu. Do đó, với tâm lý tiết kiệm, các bạn sẽ đặt giá thầu hơi thấp lại, dẫn đến bị thua thiệt so với đối thủ.
Để khắc phục điều này các bạn nên bật chức năng tối ưu hóa ngân sách chiến dịch trong quảng cáo đối với những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm.
Không có chiến lược quảng cáo rõ ràng
Để đem về một khách hàng, đòi hỏi các bạn phải có một chiến lược quảng cáo gồm nhiều bước, rất khó để một lần ăn ngay trong bối cảnh thị trường cạnh tranh như ngày nay. Có nhiều trường hợp quảng cáo đem về lượt tương tác, tin nhắn cao tuy nhiên lại không ra đơn. Điều này các bạn nên xem xét lại quy trình chốt đơn của bộ phận sale và sự phối hợp giữa sale và marketing.
Có những khách hàng không mua hàng ngay mà phải đến lần tiếp thị thứ 2 thứ 3 họ mới bị thuyết phục. Do đó, bạn phải đưa khách hàng vào phễu trước, sau đó mới từ từ chạy các chiến dịch bán hàng sau.
Ví dụ, khi chưa có data của khách hàng, các bạn có thể chạy những chiến dịch thu hút khách hàng tiềm năng để đổ về like page, bài viết cho bạn trước. Đây thường là những bài chia sẻ có giá trị về lĩnh vực kinh doanh, hoặc những nội dung giải trí có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của bạn.
Sau khi thu được danh sách những khách hàng có quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh của bạn rồi thì bạn mới bắt đầu chạy những quảng cáo bán hàng đến những khách hàng này.
Không chọn đúng mục tiêu quảng cáo
Để quảng cáo đi đúng hướng, đem lại hiệu quả cao, các bạn phải chọn đúng mục tiêu. Thông thường, ở bước khởi tạo, Facebook thường đề xuất các mục tiêu cụ thể cho quảng cáo như: Nhận thức về thương hiệu, số người tiếp cận, lưu lượng truy cập, tương tác,…
Nếu như bạn chọn sai mục tiêu bạn sẽ không nhận được những tính năng hay cài đặt cần mà Facebook định hình trước giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Do đó, hãy xác định trước mục tiêu quảng cáo của mình là gì và chọn cho chính xác khi thiết lập quảng cáo vì những mục tiêu này đã được ghi rất rõ ràng.
Thiếu sự khác biệt so với quảng cáo của đối thủ cùng ngành
Nếu như cùng hoạt động trong một ngành mà bạn lại không tạo ra được sự khác biệt so với đối thủ chắc chắn bạn sẽ bị hòa lẫn vào số đông những người bán hàng khác. Đặc biệt, nếu như nguồn lực của bạn thua kém mà lại có chiến lược quảng cáo trùng với các ông lớn, rõ ràng bạn sẽ bị đối thủ của mình nuốt chửng.
Ví dụ, cùng là ngành thức ăn nhanh, đối thủ của bạn có những content quảng cáo rất chuyên nghiệp, đẹp mắt, target tới toàn bộ người tiêu dùng nhờ có nguồn tài chính vững mạnh. Trong khi đó, nguồn lực của bạn hạn hẹp hơn, bạn phải biết dùng quảng cáo Facebook để đánh vào đối tượng cụ thể hơn, xây dựng content hướng vào đối tượng đó. Chẳng hạn như sinh viên, các bạn có thể giới hạn độ tuổi lại, làm những nội dung hài hước để phù hợp hơn với những bạn trẻ.
Tóm lại, các bạn cần phải nghiên cứu kỹ quảng cáo của các đối thủ trong ngành. Sau đó, tạo ra sự khác biệt cho quảng cáo của mình, làm quảng cáo của mình nổi bật hơn đối thủ cũng lựa chọn những điểm mà đối thủ chưa làm tốt để cạnh tranh ở đó.
Không xây dựng được tệp khách hàng tiềm năng
Nếu như chỉ chạy quảng cáo một cách đại trà mà không có một đối tượng nhắm đến cụ thể, chắc chắn hiệu quả sẽ không cao. Nguyên nhân là do, không phải bất cứ ai tiếp xúc với quảng cáo của bạn cũng sẽ mua hàng của bạn. Do đó, bạn phải định hình được nhóm khách hàng tiềm năng của mình là ai, tức là những người có khả năng cao sẽ mua hàng của bạn.
Để có được tệp khách hàng tiềm năng các bạn có thể lấy từ các chiến dịch bên ngoài (email marketing, Google Ads, Telesales, các cuộc nghiên cứu marketing,…), ăn cắp data từ đối thủ hoặc tự tạo những chiến dịch để thu hút.
Ví dụ, bạn tạo một video quảng cáo có nội dung liên quan đến lĩnh vực bán hàng của bạn. Sau đó, chọn ra những người có thời lượng xem video cao để tạo thành tệp khách hàng tiềm năng bởi vì những người này thật sự quan tâm đến sản phẩm của bạn đang bán. Lúc này, chạy quảng cáo bán hàng tới tệp khách hàng đã được lọc qua này sẽ đem lại hiệu quả cao hơn nhiều.
Không có chiến lược Test trước quảng cáo
Nhiều bạn khi chạy quảng cáo Facebook, chỉ cần thiết lập xong quảng cáo là đầu tư ngân sách chạy ngay. Điều này là vô cùng mạo hiểm, bởi bạn sẽ không thể biết chắc, yếu tố nào trong quảng cáo của mình chưa được thiết lập một cách chuẩn xác.
Ví dụ, bạn tạo một content vui nhộn để chạy quảng cáo, tới tệp khách hàng từ 18 – 30 tuổi. Nhiều khả năng nhóm đối tượng này sẽ phân chia thành nhiều nhóm tuổi có độ tương tác khác nhau với quảng cáo của bạn. Dẫn đến, quảng cáo của bạn sẽ không hiệu quả do có một vài nhóm tuổi không thích nội dung quảng cáo của bạn.
Để khắc phục vấn đề này, bạn nên tạo nhiều nội dung quảng cáo và mỗi nội dung chia đều ra, ứng với một nhóm tuổi khác nhau. Hãy để các quảng cáo này chạy đồng thời với ngân sách nhỏ trong một khoảng thời gian nhất định để xem quảng cáo nào phù hợp với nhóm tuổi nào. Cuối cùng chỉ giữ lại những quảng cáo có hiệu quả cao để tập trung ngân sách triển khai.
Quảng cáo Facebook bị lỗi phân phối
Trong nhiều trường hợp, quảng cáo của bạn sau khi được khởi chạy một thời gian bỗng lượt phân phối giảm đi đáng kể hoặc dừng hẳn. Đây là trường hợp quảng cáo Facbeook bị lỗi phân phối.
Nguyên nhân dẫn đến lỗi phân phối có rất nhiều nhưng phổ biến nhất là quảng cáo của bạn bị phát hiện bất thường và đang được hệ thống xem xét lại. Trong thời gian xem xét này quảng cáo của bạn sẽ bị giảm hiệu quả phân phối hoặc dừng phân phối. Lỗi này có thể liệt vào lỗi do chính Facebook.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân như: Giá thầu quảng cáo quá thấp, đối tượng quá hẹp, số dư thanh toán không đủ, quảng cáo bị phản hồi tiêu cực,…
Để khắc phục tình trạng này, các bạn nên đa dạng kênh quảng cáo của mình hơn thay vì chỉ sử dụng Facebook. Có rất nhiều kênh quảng cáo hiệu quả khác như: Youtube, Tik Tok, Website, Google,…
Lựa chọn sai sản phẩm
Nếu như ngay từ đầu bạn đã chọn sai sản phẩm thì có đầu tư chạy quảng cáo Facebook đến đâu thì hiệu quả đem lại vẫn không cao. Bởi vì, sản phẩm của bạn vốn đang có nhu cầu rất thấp thì việc tìm được một người muốn mua hàng của bạn trên Facebook là rất khó.
Ngoài ra, việc chọn những sản phẩm đã có rất nhiều nhà kinh doanh tham gia bán, trong đó có những nhãn hiệu nổi tiếng sẽ làm cho khả năng cạnh tranh của bạn giảm xuống rất thấp. Bằng việc chạy quảng cáo Facebook bạn không thể nào cạnh tranh được với những đối thủ lớn khác được.
Do đó, trước khi quyết định đầu tư quảng cáo cho sản phẩm nào hãy nghiên cứu thật kỹ. Trong đó, đặc biệt chú ý nhu cầu của người tiêu dùng và đối thủ cạnh tranh.
Quy trình chuẩn bị cho quảng cáo khắc phục quảng cáo Facebook không hiệu quả
Để tránh rơi vào một trong các trường hợp chạy quảng cáo Facebook không hiệu quả như trên, các bạn nên có một quy trình chạy quảng được chuẩn hóa. Nếu làm theo quy trình này các bạn sẽ hạn chế được rất nhiều lỗi khi chạy quảng cáo trên Facebook, qua đó cải thiện hiệu quả.
Bước 1: Xác định mục tiêu của quảng cáo.
Việc đặt mục tiêu cho quảng cáo sẽ hướng các bạn đến một kết quả nhằm thỏa mãn mục tiêu đề ra. Giúp bạn tập trung mọi nỗ lực vào mục tiêu đã xác định.
Mục tiêu có thể là tăng độ nhận diện thương hiệu bằng cách tăng like fanpage, tăng tương tác bài viết, video. Mục tiêu cũng có thể là tăng doanh số bán hàng, hoặc tăng tỷ lệ để về website,…
Bước 2: Xây dựng kế hoạch Marketing-bán hàng
Như đã nói, các quảng cáo của bạn nên tạo thành một chiến dịch để từng bước đưa khách hàng vào phễu và nhận hầu bao từ họ. Nếu chỉ dựa vào một vài quảng cáo riêng lẻ rất khó để bạn bán được hàng. Do đó, bạn nên tạo dựng cho mình một kế hoạch bao gồm các bước để dẫn khách hàng từ việc nhận biết thương hiệu cho tới việc chốt đơn mua hàng hay remarketing.
Thông thường khi chạy quảng cáo, người ta thường vận dụng phễu marketing như đã giới thiệu ở trên để xây dựng kế hoạch quảng cáo.
Bước 3: Nghiên cứu insights khách hàng
Bước này các bạn sẽ phải xác định đối tượng khách hàng nào mình muốn hướng đến. Một chân dung khách hàng tiềm năng sẽ bao gồm các thông tin như: độ tuổi, sở thích, hành vi, nơi ở, nghề nghiệp, giới tính… Sau khi xác định được những thông tin này, bạn có thể sử dụng nó để target đúng vào đối tượng quảng cáo của mình.
Bước 4: Xây dựng content
Từ việc nghiên cứu khách hàng, các bạn sẽ xác định những nội dung nào phù hợp với đối tượng của mình, những điều khiến họ quan tâm. Trong content nên xác định một có một thông điệp chủ đạo muốn gửi đến khách hàng. Ví dụ như, bạn là một thương hiệu thời trang đường phố dành cho giới trẻ có thể truyền tải thông điệp: Tự tin là chính mình.
Kèm theo thông điệp là các chính sách bán hàng, khuyến mãi,… mà các bạn có thể chú trọng vào ở phần nội dung. Dựa trên những yếu tố chính này bạn sẽ chọn ra được phương thức truyền tải phù hợp nhất tới khách hàng (hình ảnh, video, văn bản, kịch bản thuyết phục,…)
Bước 5: Xác định những yếu tố cơ bản của một quảng cáo
Vị trí, thời gian, ngân sách là những yếu tố cơ bản của một quảng cáo mà bạn nên xác định từ trước.
Các mẹo khắc phục quảng cáo Facebook không hiệu quả
- Lựa chọn mục tiêu quảng cáo phù hợp: Khi tạo quảng cáo, Facebook chia cho các bạn rất rõ gồm 3 cột mục tiêu khác nhau là: nhận thức, cân nhắc, chuyển đổi. Trong mỗi một cột lại có các mục tiêu cụ thể khác nhau. Dựa vào đó, các bạn có thể lựa chọn mục tiêu quảng cáo phù hợp với doanh nghiệp của mình. Ví dụ, đối với những mặt hàng mới, bạn nên chọn mục tiêu là số người tiếp cận hay nhận thức về thương hiệu để khách hàng biết đến sản phẩm của mình trước khi tung ra các chiến dịch bán hàng.
- Sử dụng những bài viết hoạt động tốt để chạy quảng cáo: Thông thường những bài viết tốt sẽ được phân phối tốt hơn, có nhiều lượt tương tác hơn. Nếu các bạn sử dụng những bài viết có sẵn này để chạy quảng cáo sẽ đem lại hiệu quả cao hơn vì hiệu quả của nó đã được kiểm chứng từ trước. Facebook cũng khuyến khích cách làm này thông qua những gợi ý như: Bài viết này của bạn hoạt động tốt hơn 90% những bài viết trước đây, hãy quảng cáo bài viết.
- Thu hút khách hàng bằng hình ảnh, các từ ngữ gây tò mò, kêu gọi hành động: Hãy chèn vào bài quảng cáo những hình ảnh có phần khác thường, hoặc thật đẹp mắt để thu hút ánh nhìn của khách hàng. Kèm theo đó là những tiêu đề gây tò mò, giật gân và các từ ngữ kêu gọi như: Mua ngay, Giảm giá sốc,…
- Nghiên cứu đối tượng bằng Facebook Audience Insight: Đây là một công cụ nằm trong Facebook Business, giúp các bạn nghiên cứu khách hàng dành cho quảng cáo trên Facebook.
- Theo dõi báo cáo đo lường thường xuyên để rút kinh nghiệm và tìm ra đâu là những yếu tố cần tập trung cho một quảng cáo.
- Sử dụng A/B Testing: Hình thức này, bạn sẽ tạo hai quảng cáo giống hệt nhau chỉ khác nhau một yếu tố duy nhất nhằm kiểm tra xem quảng cáo nào đem lại hiệu quả cao hơn. Sau khi để hai quảng cáo chạy song song bạn sẽ tắt quảng cáo chạy kém hiệu quả hơn và sử dụng quảng cáo còn lại để chạy chính thức. Cứ như vậy, bạn có thể test hết các yếu tố của một quảng cáo để tối ưu hiệu quả.
- Target đối tượng vào những khách hàng tiềm năng cao: Ví dụ, chỉ tập trung vào đối tượng có thu nhập tốt từ 25 tuổi trở lên hay chỉ tập trung vào những thành phố lớn.
- Tập trung vào những khung giờ vàng có nhiều người sử dụng Facebook để chạy quảng cáo.
- Giảm ngân sách quảng cáo vào những lúc khách hàng ít tương tác.
Bình chọn cho bài viết
Your page rank: