Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã đem đến hàng loạt những chuyển biến trong hoạt động kinh doanh. Trong đó, Marketing là một lĩnh vực nhận được sự thúc đẩy rất mạnh từ cuộc cách mạng số. Vì vậy, chuyển đổi số hoạt động Marketing là một trong những vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu hiện nay. Không những vậy, các doanh nghiệp nhỏ hay người bán hàng cá nhân vẫn có rất nhiều ứng dụng hay trong Marketing nhờ chuyển đổi số.
Chuyển đổi số hoạt động Marketing là gì?
Chuyển đổi số hoạt động Marketing là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào các quy trình Marketing và những quy trình có sự phối hợp của Marketing trong doanh nghiệp để nâng cao doanh số bán hàng, tăng hiệu quả tiếp thị.
Trong đó, việc chuyển đổi số trong tiếp thị tập trung vào những khía cạnh như:
- Tìm hiểu nhu cầu, hành vi của khách hàng rõ ràng, chính xác hơn.
- Tiếp cận dữ liệu để nhờ công nghệ phân tích và cá nhân hóa nhằm tạo ra những chiến dịch Marketing hướng tới đúng đối tượng khách hàng, tăng cao hiệu quả.
- Nâng cao trải nghiệm của khách hàng bằng sự cá nhân hóa và các tiện ích của công nghệ mới.
Cơ hội và thách thức trong thời kỳ 4.0 – chuyển đổi số hoạt động Marketing
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã mở ra nhiều thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong hoạt động marketing. Đồng thời, những đổi mới này cũng mở ra không ít cơ hội giúp các doanh nghiệp phát triển vượt bậc trong lĩnh vực Marketing:
Về cơ hội:
- Cách mạng công nghệ đem đến khả năng tiếp cận khách hàng dễ dàng: Ngày nay, người ta có thể quảng bá sản phẩm ở khắp mọi nơi trên internet trong những ứng dụng và trên nhiều thiết bị công nghệ khác nhau như máy tính, smartphone.
- Đổi mới sản phẩm đột phá nhờ công nghệ mới: Xu hướng bảo vệ môi trường, hay những sản phẩm ưu việt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng sẽ được công nghệ mới giải quyết.
- Doanh nghiệp có thể quản lý thống nhất toàn bộ cơ sở dữ liệu về khách hàng nhờ Big data và AI. Qua đó cá nhân hóa các hoạt động marketing của khách hàng.
- Mở ra những xu hướng tiếp thị mới: Tiếp thị thông qua trải nghiệm thực tế ảo, kết nối những các bên liên quan trên cùng một nền tảng,…
Về thách thức:
- Áp lực cạnh tranh tăng cao vì khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận với thông tin nhiều hơn, có nhiều lựa chọn hơn.
- Tốc độ ra đời sản phẩm mới tăng cao làm chu kỳ sống của sản phẩm giảm xuống, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải tìm ra phương án duy trì vòng đời sản phẩm của mình.
- Bản quyền và sở hữu trí tuệ phải thắt chặt do nhiều sáng chế mới, nhiều sản phẩm mới kéo theo sự trùng lặp, sao chép và ăn cắp chất xám.
Những lợi ích của việc chuyển đổi số hoạt động Marketing
Thu thập dữ liệu hiệu quả hơn
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thu thập được nhiều thông tin của khách hàng hơn đồng thời chuyển đổi nó thành những phân tích nhờ có ý nghĩa trong Marketing một cách dễ dàng và chính xác. Điều này tạo ra một mạng thông tin khách hàng chuyển đi khắp các phòng ban và đồng nhất hoạt động Marketing với toàn bộ các chức năng khác trong doanh nghiệp.
Quản lý dữ liệu khổng lồ
Thay vì quản lý thông tin một cách phân tán, thì số hóa hoạt động Marketing giúp doanh nghiệp có thể tập trung toàn bộ dữ liệu của mình để sử dụng chung trên toàn bộ công ty.
Cá nhân hóa hoạt động Marketing đối với khách hàng
Cách mạng 4.0 tại ra các ứng dụng giúp bạn có thể nắm rõ hơn về mong muốn của khác hàng. Nó thu thập và phân tích giúp bạn biết được từng thông tin nhỏ của khách hàng như sở thích, hành vi mua hàng. Qua đó, bạn có thể triển khai các nội dung phù hợp, được cá nhân hóa truyền tải đến khách hàng
Cải thiện trải nghiệm khách hàng
Bằng công nghệ mới, các doanh nghiệp có thể đưa ra những chiến dịch Marketing, chương trình trải nghiệm sản phẩm mới hấp dẫn hơn. Ví dụ như mô hình thực tế ảo giúp khách trải nghiệm việc mua sắm quần áo, chọn kiểu tóc, mắt kính phù hợp với bản thân. Hay nhưng menu ảo giúp khách hàng chọn món mô tả chân thật nhất các món ăn ở nhà hàng.
Giảm chi phí và tăng lợi nhuận
Theo thống kê có tới 80% các doanh nghiệp đã hoàn thành chuyển đổi số có tăng lợi nhuận tăng cao. Điều này đến từ việc cắt giảm được các chi phí liên quan đến nhân sự, do có thể cắt giảm những công việc đã được số hóa. Đồng thời, nhờ chuyển đổi số Marketing mà có thể thu thập được nhiều thông tin và khai thác thông tin khách hàng một cách hiệu quả hơn. Dẫn tới, trải nghiệm khách hàng được cải thiện, góp phần làm nâng cao doanh thu.
Ứng phó nhanh chóng và thích nghi với những thay đổi mới
Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp có thể thích ứng được với thời đại mới một cách nhanh chóng. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp chưa được chuyển đổi số sẽ rất khó khăn để hoạt động. Trong khi đó các doanh nghiệp số hóa hoạt động Marketing đã có thể làm việc từ xa, tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh bất kể tác động của dịch bệnh.
Nâng cao năng suất
Chuyển đổi số Marketing giúp doanh nghiệp đơn giản quy trình hoạt động của mình, đồng nhất dữ liệu. Qua đó, năng suất được nâng cao hơn nhờ những hỗ trợ của công nghệ. Ví dụ như, việc phân tích hành vi của khách hàng đã có hệ thống theo dõi ở trên các kệ hàng và đưa ra kết luận chính xác hơn gấp nhiều lần so với sự quan sát của con người.
Những đổi mới trong chuyển đổi số hoạt động Marketing
Những ứng dụng của chuyển đổi số đã đem đến những đổi mới trong hoạt động Marketing. Trong đó có những đổi mới quan trọng như:
Đổi mới sản phẩm:
Sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường đang xu hướng mới mà khách hàng rất quan tâm. Do đó, các doanh nghiệp đang có định hướng truyền thông rất mạnh về vấn đề này.
Nhờ hoạt động chuyển đổi số mà giờ đây, các doanh nghiệp có thể kiểm soát được những thông số của sản phẩm nhằm đảm bảo tính an toàn, vệ sinh, chất lượng của sản phẩm. Đồng thời, khách hàng cũng có thể kiểm tra tính xác thực của sản phẩm, quy trình sản xuất được cập nhật trên thời gian thực nhờ vào Blockchain.
Vấn đề này được ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm rất nhiều. Ví dụ, về thịt bò của Úc, người ta đã xây dựng được một quy trình xanh từ trang trại đến bàn ăn. Qua chuyển đổi số, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm tra chất lượng của toàn bộ quy trình sản xuất thịt bò này. Tất cả các khâu từ chăn nuôi cho tới giết mổ và chế biến đề được cập nhật trên một hệ nền tảng chung.
Đổi mới về giá:
Công nghệ giúp các nhà làm marketing thu thập giá của đối thủ cạnh tranh đồng thời nắm bắt được mức giá mong muốn của khách hàng một cách chính xác. Những nền tảng như Grab hay Uber đã tạo nên một cách định giá thống nhất giữa bên mua và bên bán và có thể tùy chỉnh theo thị trường. Không phải chỉ áp dụng một mức giá cố định như các mô hình taxi truyền thống.
Về phân phối:
Doanh nghiệp chuyển đổi số có thể để khách hàng có thể tự kiểm tra, giám sát quá trình di chuyển của sản phẩm mà họ đã đặt hàng… Đồng thời, tạo ra các quy trình giao hàng tối ưu quãng đường, tự động tính toán tồn kho nhằm rút ngắn thời gian giao hàng.
Cũng thông qua việc chuyển đổi số, các doanh nghiệp không cần phải phụ thuộc vào hệ thống phân phối truyền thống như trước nữa. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể phân phối trực tiếp sản phẩm tới khách hàng. Những nền tảng công nghệ mới đã hỗ trợ điều này như là: Các tổ chức giao hàng (Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm,…), Grab, Ahamove,…
Trước đây, khi còn phân phối theo cách truyền thống, các cửa hàng, quán ăn phải mở rộng chi nhánh, tăng thêm cơ sở để mở rộng quy mô. Tuy nhiên, nhờ có các nền tảng giao thức ăn như: Now, Grab Food, Baemin,… vào thị trường Việt Nam, các quán ăn này có thể bán được thức ăn trên nhiều địa điểm cho nhiều khách hàng hơn. Khách hàng dù ở bất cứ đâu đều có thể đặt thức ăn trực tuyến trên app để chờ nhân viên của những nền tảng giao hàng này giao thức ăn tới tận nơi.
Về xúc tiến
Nhờ chuyển đổi số hoạt động Marketing doanh nghiệp nâng cao được hiểu biết về khách hàng. Qua đó, phác họa được chân dung khách hàng, hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng. Từ đó, xây dựng kế hoạch truyền thông hiệu quả, cá nhân hóa theo khách hàng.
Những ứng dụng cụ thể trong chuyển đổi số hoạt động Marketing
- Công nghệ Thực tế tăng cường (AR)
Là công nghệ giúp chèn thêm các chi tiết ảo từ thiết bị di động trong không gian thực. Ví dụ, các nhãn hàng thời trang hay nội thất ứng dụng công nghệ này để đem sản phẩm ảo ướm vào không gian thực nằm giúp khách hàng tìm được sản phẩm phù hợp với bản thân.
- Video trực tiếp
Video trực tiếp giúp kết nối người dùng trong thời gian thực dù họ ở bất cứ đâu lại với nhau. Do đó, nó thu hút được người dùng tham gia rất cao, hơn 80% người dùng cho biết họ thích xem một video trực tiếp hơn đọc một bài đăng trên blog.
Rất nhiều doanh nghiệp và người bán hàng đã ứng dụng hình thức livestream để bán hàng và đạt được thành công đáng kể.
- Tiếp thị giọng nói
Thông qua các công nghệ như: smartphone, loa thông minh, laptop, máy tính bảng…việc tìm kiếm bằng giọng nói đang được khách hàng rất ưa chuộng. Vì vậy, người làm Marketing cần phải nắm bắt hướng phát triển để xây dựng các nội dung bắt được thị hiếu này nhằm thu hút được nhiều khách hàng mới.
- Quảng cáo theo ngữ cảnh
Hình thức quảng cáo này giúp thu thập thông tin tìm kiếm và các mối quan tâm của khách hàng để hiển thị những quảng cáo với chủ đề liên quan. Qua đó, có thể nâng cao được hiệu quả của quảng cáo. Điều này đã được Facebook và Google áp dụng làm khá nhiều, khi bạn tìm kiếm một thông tin nào đó, những quảng cáo về mặt hàng liên quan sẽ liên tục hiện trên News Feed của bạn.
- Chatbots
Những hệ thống Chatbots giúp trả lời, tư vấn khách hàng một cách tự động đang được rất nhiều nhà kinh doanh sử dụng. Nhờ trí tuệ nhân tạo những chatbots này có thể học hỏi được và ngày một thông minh hơn. Qua đó, dần tự động hóa quy trình kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thấu hiểu hành trình mua sắm của khách hàng
Các thiết bị được gắn trên kệ hàng giúp theo dõi hành vi mua sắm của khách hàng. Đồng thời những hệ thống thu thập thông tin tìm kiếm trên mạng xã hội, internet của khách hàng sẽ giúp Marketing có thể nắm bắt được nhu cầu của khách hàng một cách chính xác.
Ngành thời trang, bán lẻ đang ứng dụng công nghệ này khá nhiều và tạo nên những thành công lớn so với những cách Marketing truyền thống.
Câu chuyện thành công của Zara nhờ chuyển đổi số hoạt động Marketing
Zara là một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng và thành công nhất trong lĩnh vực bán lẻ. Thành công của Zara đến từ sự cung ứng sản phẩm nhanh chóng và hợp xu hướng của họ. Họ có thể tạo ra một mẫu sản phẩm mới và tung ra thị trường trên khắp thế giới chỉ trong vòng 7 ngày đổ lại.
Bí quyết tạo ra các sản phẩm nhanh chóng và hợp thời của họ nhờ vào việc ứng dụng công nghệ 4.0 để phân tích nhu cầu của khách hàng. Tại các cửa hàng của Zara họ bố trí các thiết bị thu hình để quan sát hành vi mua sắm của khách hàng. Đồng thời họ cho các chuyên gia đi quan sát các triển lãm thời trang, các nơi mà những tín đồ của thời trang thường lui tới.
Sau khi thu được dữ liệu, hệ thống của họ sẽ phân tích xem, khách hàng thường chú ý tới những mẫu thiết kế nào. Những xu hướng thời trang trên thế giới đang được khách hàng ưa chuộng là gì. Nhờ đó, Zara có thể xác định chính xác nhu cầu của khách hàng, để tung ra những sản phẩm nhanh chóng thỏa mãn thị hiếu thời trang của người tiêu dùng.
Ngoài ra, Zara còn ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý tồn kho. Công nghệ giúp họ có thể tính toán toàn bộ các chỉ số liên quan đến việc vận chuyển, phân phối sản phẩm như thế nào cho hợp lý.
Những năm gần đây, Zara đã cắt giảm tới 1200 cửa hàng trên toàn thế giới để đi theo xu hướng chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử. Zara có các ứng dụng thời trang online mà khách hàng có thể xem được tất cả các mẫu của hãng thời trang này.
Đồng thời, trên mỗi mẫu sẽ cập nhật định vị để khách hàng có thể biết được bộ quần áo mình thích đang nằm ở cửa hàng nào. Nếu ở gần, khách hàng có thể đặt trước, giữ chỗ để đến thử trực tiếp.
Hãng thời trang còn đang ứng dụng trải nghiệm thực tế tăng cường cho phép khách hàng có thể mua sắm thông qua công nghệ thực tế ảo. Ứng dụng Zara AR tạo ra những người mẫu ảo, tạo dáng, bước đi chân thực giúp khách hàng thử quần áo, phụ kiện. Khách hàng chỉ cần hướng camera vào bộ quần áo hay phụ kiện ở bất kỳ đâu trên hệ thống của Zara, người mẫu ảo này sẽ giúp khách hàng thử trước mẫu thiết kế.
Ứng dụng chuyển đổi số hoạt động Marketing cho người kinh doanh vừa và nhỏ
Bạn là một người kinh doanh vừa và nhỏ, nguồn lực của bạn không cho phép mình phát triển những ứng dụng dành riêng cho việc kinh doanh của mình. Do đó, các bạn có thể tận dụng những ứng dụng được các nhà phát hành công nghệ cung cấp để chuyển đổi số Marketing.
Trong đó, việc sử dụng các Chatbot giúp bạn có thể tự động trả lời, liên lạc, chăm sóc khách hàng là một ứng dụng rất hữu ích. Các chatbot này còn có khả năng tự học hỏi nhờ trí tuệ nhân tạo AI để ngày một hoàn thiện hơn. Các bạn nên tham khảo một Chatbot như: Hana, Ahachat, Subiz,…
Những ứng dụng dành cho người kinh doanh vừa và nhỏ trên thị trường ngày nay còn có thể phân tích thị trường, đối thủ cạnh tranh, nghiên cứu Traffic. Ví dụ như: FFF, Simply Measured, Similar Web, những công cụ của Google (Google Trends, Google Analytics, Google Insight for search,…).
Bên cạnh đó, hoạt động Marketing của bạn cũng sẽ được cải thiện nhờ những ứng dụng chuyên về Marketing số. Tại đây, các bạn có thể lưu trữ toàn bộ thông tin khách hàng, phân loại, gắn tags,…
Hơn nữa, bạn còn có thể tạo rất nhiều chiến dịch Marketing, đo lường, Remarketing, tối ưu quảng cáo,…Một số ứng dụng tốt cho Marketing như: Mailchimp, Keap, Mautic, CareSoft,…
Ngoài ra, còn có rất nhiều ứng dụng chuyên dụng cho một số kênh marketing chuyên biệt như: Website, Zalo, Facebook, Google, các sàn thương mại điện tử,… Các bạn có thể tham khảo nhiều hơn ở Website Martool.vn.
Bình chọn cho bài viết
Your page rank: